Bọc nilon trần xe ô tô, nên hay không?

Viết bởi Linh Nguyễn
Thứ Thu,
07/09/2023

Chiếc ô tô mới hiện nay đa phần đều có trần bọc bằng chất liệu nỉ. Bên cạnh ưu điểm tiêu âm tốt, cách nhiệt hiệu quả thì chất liệu nỉ cũng có một số yếu điểm như dễ bám bẩn, khó làm sạch triệt để; có tính hút nước, hút ẩm cao, gây nên mùi khó chịu... Các vết bẩn và ẩm này lâu ngày sẽ tạo thành vết ố, nấm mốc, không chỉ gây mất thẩm mỹ, làm giảm giá trị của xe khi bán lại, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng.

Do đó, nhiều người đã chọn phương án bọc trần ô tô ngay khi nhận xe mới. Trên thị trường hiện nay có khá nhiều chất liệu bọc trần xe, trong đó phổ biến là nilon, simili (da nhân tạo), da lộn, da PU. Mỗi chất liệu sẽ có ưu - nhược điểm và giá thành khác nhau, tùy nhu cầu sử dụng mà chủ xe có thể lựa chọn loại phù hợp.

Và để trả lời cho câu hỏi: "Bọc nilon trần xe ô tô, nên hay không?", trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về ưu - nhược điểm của loại vật liệu này.

Bọc nilon trần xe ô tô, nên hay không?

Bọc trần ô tô bằng nilon là một trong các loại bọc trần ra đời sớm nhất và rất phổ biến từ nhiều năm trước, đặc biệt là với những chiếc xe phục vụ mục đích kinh doanh dịch vụ.

Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của bọc trần nilon chính là giá thành rẻ, có thể nói là rẻ nhất trong tất cả các chất liệu bọc trần xe. Giá thành của loại vật liệu này hiện dao động trong khoảng từ 400.000 - 800.000 đồng, tùy loại xe.

Tiếp đến là khâu vệ sinh cực kỳ đơn giản và dễ dàng khi chỉ cần sử dụng khăn ẩm lau nhẹ nhàng là đã sạch sẽ. 

Vốn có đặc tính không hút nước, không hút ẩm nên khả năng chống bụi, chống mùi và chống ẩm của trần bọc nilon rất ổn. Từ đó, có thể giúp lớp trần nguyên bản bên trong tránh được khỏi bụi bẩn, ẩm mốc, các mùi khó chịu và độ mới cao. Đây là một trong những lợi thế giúp chiếc xe được giá khi bán lại.

Bọc nilon trần xe ô tô, nên hay không?

Bên cạnh những ưu điểm dễ thấy thì bọc nilon trần xe ô tô cũng có không ít nhược điểm mà người dùng cần cân nhắc trước khi lắp đặt. Trước hết là ảnh hưởng đến độ thoáng của trần xe. Bởi, thiết kế trần xe vốn dạng mái vòm, trong khi tấm nilon bọc được căng ra và không thể ôm sát vào bộ phận này.

Chất liệu nilon cũng rất dễ hư hỏng vì khả năng chịu lực kém. Do đó, chỉ cần một vật nhọn đâm nhẹ vào hoặc trẻ em nghịch ngợm không may dùng tay cào sẽ khiến phần nilon bị rách. Lúc này, buộc chủ xe phải đi bọc lại từ đầu.
Tính thẩm mỹ của chiếc ô tô cũng sẽ bị ảnh hưởng khi phần trần bọc từ nilon. Bởi, như đã nói ở trên, bọc trần ô tô bằng nilon trước đây thường phổ biến đối với xe dịch vụ. Vậy nên, những chiếc xe gia đình dễ bị nhầm là xe dịch vụ vì chất liệu này.

Cuối cùng, bọc trần ô tô bằng nilon thường gây ra tình trạng nhiễu âm - tăng ồn. Lớp nilon căng ra như một tấm màn rung theo âm thanh và vọng lại, khiến người ngồi bên trong dễ có cảm giác ù tai, ong ong ở tai. Thậm chí, những âm thanh khó chịu này còn khiến tài xế bị phân tâm khi lái xe.

Giải thích về hiện tượng trên, độc giả Nguyên Vũ cho biết: "Khi bọc thêm lớp bọc nilon sẽ gây dội âm thanh theo các chiều khác nhau và bản thân nó cũng dao động cộng hưởng với các rung động do máy xe và âm thanh dội trên đường. Các rung động cộng hưởng này là nguyên nhân khiến người ngồi trên xe khó chịu và mệt mỏi."

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

zalo