-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Những quy tắc ứng xử bắt buộc của cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm
Viết bởi Linh Nguyễn
Thứ Mon,
22/08/2022
1. Chào theo điều lệ ngành
Khi CSGT yêu cầu bạn dừng xe và xuất trình giấy tờ, việc đầu tiên họ phải chào theo điều lệ ngành. Đây là thủ tục bắt buộc đối với CSGT khi bắt đầu làm việc với nhân dân, được quy định rõ tại khoản 1 điều 10 thông tư số 60/2009/TT-BCA ngày 29/10/2009 của Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông đường bộ. (trừ trường hợp bạn có dấu hiệu tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã hoặc có hành vi thiếu văn hóa…).
Sau khi CSGT chào bạn, bạn cũng nên chào lại và chú ý dùng đại từ nhân xưng cho phù hợp
2. CSGT có nghĩa vụ thông báo lỗi
Khi nhìn thấy CSGT hỏi giấy tờ, người dân có tâm lý rụt rè, cứ đưa cho qua chuyện mà quên rằng mình có quyền giải thích, chứng minh mình không vi phạm luật giao thông. Nếu bạn đã chứng minh được thì không có nghĩa vụ phải xuất trình giấy tờ xe.
Không phải cứ CSGT tuýt còi thì chắc chắn bạn bị phạt. Vì nhiều lý do khác nhau mà CSGT có thể yêu cầu bạn dừng xe nhưng chưa hẳn bạn có lỗi. Nắm rõ luật sẽ giúp bạn tự tin hơn khi tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Điều 14 thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Nói cách khác, chỉ phải xuất trình giấy tờ nếu CSGT đã chứng minh rõ ràng là người đi đường phạm lỗi gì đó cụ thể.
Bạn hoàn toàn có quyền được xem chứng cứ về lỗi vi phạm của bạn theo quy định dành cho người tham gia giao thông tại điểm a, khoản 2, điều 16, chương V, thông tư 65/2012/TT-BCA.
Ví dụ: Khi CSGT chặn xe bạn vì cho rằng bạn chạy quá tốc độ, trong khi bạn chắc chắn rằng mình không hề vi phạm, hãy yêu cầu CSGT được xem hình ảnh, kết quả ghi thu được và các anh CSGT có nghĩa vụ phải cho bạn xem. Trong trường hợp này, nếu CSGT không đưa ra được bằng chứng chứng minh bạn vượt quá tốc độ cho phép thì không được phép lập biên bản và cũng không được phép kiểm tra giấy tờ bạn.
3. Kiểm tra, kiểm soát giấy tờ
Sau khi thực hiện hiệu lệnh chào CSGT sẽ nói: “Yêu cầu ông (bà, anh, chị…) cho chúng tôi kiểm soát các loại giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện”.
Trong trường hợp CSGT thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát sẽ phải dùng kính ngữ với bạn: “Xin lỗi ông (bà, anh, chị…) cho chúng tôi kiểm soát các loại giấy tờ liên quan và kiểm soát phương tiện”
Việc thực hiện kiểm tra này được ghi tại điều 16, chương V, thông tư 65/2012/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 22/12/2012.
4. Lập biên bản vi phạm
Việc lập biên bản vi phạm chỉ được thực hiện sau khi bạn đã nghe CSGT thông báo cho bạn biết rõ về lỗi vi phạm. Vấn đề này được quy định rất rõ tại điều 17, chương V, thông tư 65/2012/TT-BCA. Khi lỗi vi phạm mà CSGT đưa ra là đúng, bạn hãy nhận lỗi và đừng ngoan cố chống trả.
Biên bản vi phạm hành chính được lập ít nhất hai bản và mỗi bên giữ một bản. Đây là căn cứ để CSGT ra quyết định xử phạt và lưu hồ sơ tại cơ quan nhà nước. Biên bản được ban hành theo đúng mẫu đã quy định, có dấu đỏ, có số thứ tự. Lỗi của bạn sẽ được ghi rất rõ ràng theo điều, khoản mục nào trong luật giao thông đường bộ hay các văn bản hướng dẫn dưới Luật.
Sau khi biên bản được lập, bạn cần đối chiếu xem nội dung có đúng với lỗi mình vi phạm hay không. Đồng thời, bằng các thiết bị công nghệ, bạn có thể kiểm tra xem mức phạt mà CSGT đưa ra có phù hợp. Nếu chưa đúng thì bạn có thể yêu cầu CSGT sửa lại và họ sẽ ký tên trước khi đưa cho bạn ký.
Thông thường, khung hình phạt sẽ nằm ở khoảng giữa. Ví dụ: Khi điều khiển xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, người vi phạm sẽ bị phạt từ 100,000 đồng đến 200,000 đồng. Như vậy, mức phạt đối với người vi phạm trong trường hợp này là 150,000 đồng.
Ngoài ra, theo nghị định 34/2010/NĐ-CP (sau này sửa đổi thành Nghị định 72/2012/NĐ-CP) quy định việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tại chỗ mà CSGT có thể phạt đối với người vi phạm tối đa là 200,000 đồng. Các trường hợp khác, người vi phạm có thể yêu cầu được nộp tại kho bạc nơi xảy ra hành vi vi phạm.
5. Quyền lên tiếng với người bị CSGT ra hiệu dừng xe
Nếu bạn có ý kiến gì thì bạn có thể ghi ở mục ý kiến của người vi phạm trước khi bạn ký tên. Sau khi biên bản được lập vì lý do nào đó mà bạn từ chối ký, thì lúc này CSGT sẽ ghi rõ lý do vào biên bản.
Trong trường hợp CSGT xử phạt “nhầm” đối với bạn thì bạn có quyền “phản biện” hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Mục đ, điều 13 tại Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật số 15/2012/QH13 quy định rất rõ việc này.
Còn trong trường hợp bạn bị CSGT tuýt còi nhưng không phát hiện vi phạm thì CSGT phải thông báo và nói lời: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị,…) đã giúp đỡ lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ”.
Cũng có những lỗi CSGT có thể sẽ không phạt mà chỉ nhắc nhở bạn như: đè vạch, vượt phải, vượt tại đoạn đường con, vượt đèn đỏ mấy giây, xi-nhan hoặc khi bạn chạy vượt quá tốc độ cho phép dưới 5km.
Nếu có điều gì thắc mắc, bạn có thể gọi điện đến đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc về tình hình trật tự ATGT.